Máy đo thân nhiệt tự động là sản phẩm do 11 thầy và trò (đội CK3 robocon) thuộc bộ môn Cơ điện tử, Khoa Cơ khí, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên (ĐHKTCNTN) nghiên cứu chế tạo. Với tính năng nổi bật là đo thân nhiệt một cách nhanh chóng và không tiếp xúc, đồng thời các máy này đã tích hợp thông báo kết quả đo nhiệt bằng âm thanh và truyền kết quả đến điện thoại thông minh hoặc máy tính. Sản phẩm này hiện đang được lắp đặt tại các cơ quan và nhiều trường THPT tại tỉnh Thái Nguyên nhằm phục vụ cho năm học 2020 - 2021.
Trường ĐHKTCNTN tặng và lắp đặt Máy đo thân nhiệt tự động cho trường THPT (Ảnh: PGS.TS Vũ Ngọc Pi)
Ý tưởng để thầy và trò trường Thái Nguyên nghiên cứu sản phẩm này bắt nguồn từ những biến cố mà xã hội gặp phải, tác giả của sản phẩm - PGS.TS. Phạm Thành Long, Trưởng Bộ môn Cơ Điện tử, ĐHKTCNTN chia sẻ: Năm 2019, khi xuất hiện dịch Covid-19, điều này khá bất ngờ với cả thế giới, thiết bị y tế chuẩn bị cho chống dịch thiếu thốn trầm trọng. Vì vậy, trong điều kiện bị cách ly chúng tôi đã cố gắng tự tạo ra thiết bị để có thể kiểm soát nhanh đám đông theo kiểu giám sát các cá nhân nguy cơ cao, sau đó kiểm tra y tế kỹ lưỡng với những người này. Việc sử dụng máy đo nhiệt độ cầm tay với tốc độ đo thấp không đáp ứng được ở trường đại học, nhà máy,… nơi có rất nhiều người đi lại cùng thời điểm (vào lớp, vào xưởng trong 5 - 10 phút). Việc làm ra máy tự động có thể đo nhanh không cần người vận hành ra đời từ yêu cầu thực tế đó.
Chính vì vậy, phiên bản đầu tiên của Máy đo thân nhiệt tự động được ra đời trong vòng 5 ngày. Máy được kết nối bluetooth đến 50m sang máy điện thoại android và đọc kết quả từ xa bằng giọng nói. Máy đo nhanh, đo liên tục 01 người/2 giây, tự động đo thân nhiệt không cần người vận hành giúp kiểm soát được đám đông khi số lượng lớn.
Ngay tại thời điểm đó, với nguồn nhân lực có sẵn, nhà trường đã có thể tự trang bị được thiết bị chống dịch và kiểm soát được toàn bộ người ra vào đơn vị một cách nghiêm túc. Không chỉ vậy, với khả năng ứng dụng thiết thực của sản phẩm còn khẳng định được khả năng thiết kế chế tạo một thiết bị đo chưa mua được trên thị trường vào thời điểm đó. Sau khi sản phẩm hoàn thành không chỉ tại nhà trường mà còn giúp cho các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên kiểm soát được thân nhiệt của người ra vào đơn vị.
PGS.TS. Phạm Thành Long (bên trái) trao tặng sản phẩm cho đơn vị (Ảnh: PGS.TS Vũ Ngọc Pi)
Tuy nhiên, để chế tạo được sản phẩm, thầy và trò cũng gặp khó khăn trong việc nhập linh kiện từ nước ngoài, “Độ đồng đều chất lượng của linh kiện Trung Quốc không cao và ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu nên tìm đầy đủ linh phụ kiện chế tạo máy không dễ dàng. Nhưng khó khăn cũng không đáng kể, bởi trong quá trình làm sản phẩm chúng tôi được lãnh đạo nhà trường quan tâm và các cựu sinh viên cơ điện tài trợ vật chất, kinh phí rất lớn”, PGS.TS. Phạm Thành Long cho biết.
Để máy phát huy tối đa tính năng kỹ thuật, sau quá trình thử nghiệm và ứng dụng thành công tại trường ĐHKTCNTN, nhà trường đã ưu tiên tặng máy cho các đơn vị đông người gồm các bệnh viện vì họ phải làm việc trong khi xã hội giãn cách và các trường học trước khai giảng để giám sát đám đông.
Học sinh đo thân nhiệt trước khi vào lớp (Ảnh:PGS.TS Vũ Ngọc Pi)
Theo đó, trước đề nghị của Công đoàn Ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên trong việc tích cực phòng chống dịch Covid-19 và góp phần hỗ trợ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 của tỉnh Thái Nguyên. Từ ngày 4 - 7/8/2020, Nhà trường đã tặng và lắp đặt 11 máy đo thân nhiệt tự động cho các điểm thi THPT của tỉnh Thái Nguyên.
Tiếp đó, vào ngày 24 - 28/8/2020 dưới dự tài trợ của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam LILAMA, nhà trường tiếp tục tặng và lắp đặt máy đo thân nhiệt tự động cho 33 trường THPT của tỉnh Thái Nguyên. Cũng trong đợt này, nhà trường đã tặng và lắp đặt 02 máy cấp dung dịch rửa tay tự động cho Bệnh viện Y học Cổ truyền Thái Nguyên và Trung tâm Y tế Thành phố Thái Nguyên; 01 máy đo thân nhiệt cho Nhà máy Cán thép Thái Nguyên; 01 máy đo thân nhiệt và 01 máy cấp dung dịch rửa tay tự động cho Trường THCS Nguyễn Lân, Thanh Xuân Nam, Hà Nội.
Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm đang được ứng dụng tại: ĐHKT Công Nghiệp - ĐH Thái Nguyên; Cơ quan Đại học Thái Nguyên; Tỉnh Đoàn Thái Nguyên; Bệnh viện A Thái Nguyên; Nhà máy Z117 Bộ quốc phòng; Bệnh viện phục hồi chức năng Tỉnh Thái Nguyên; trường tiểu học phú xá Tích Lương, TP Thái Nguyên; 36 trường THPT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên,…
Chia sẻ về định hướng phát triển của sản phẩm, PGS.TS. Phạm Thành Long cho biết: Máy hiện đã được chấp nhận đơn hợp lệ bởi cục sở hữu trí tuệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa sản phẩm này.
Lại có thêm một sản phẩm thiết thực nữa ra đời trong mùa Covid-19. Điều này đã cho thấy, trong thời điểm cấp bách của xã hội, đội ngũ các nhà nghiên cứu tại trường đại học chuyên ngành kỹ thuật đã làm nổi bật tinh thần chung tay chống dịch cùng toàn xã hội, đồng thời cũng thể hiện được rằng việc gắn đào tạo với thực tiễn luôn tạo nên những kì tích trong nghiên cứu khoa học.
Theo Thu Trang, TĐHNN số tháng 9/2020
- 22/09/2020 10:00 - Sinh viên có sản phẩm thương mại hóa, bước đột phá trong nghiên cứu khoa học
- 16/07/2020 16:32 - Khi sinh viên nghiên cứu khoa học thời Covid-19
- 06/06/2020 08:17 - Sinh viên Viện Điện luôn bùng cháy tinh thần nghiên cứu khoa học
- 15/05/2020 11:03 - Trau dồi kỹ năng sáng tạo cho sinh viên năm nhất từ nghiên cứu khoa học
- 20/03/2020 10:48 - Nữ du học sinh trẻ đam mê ngành Kỹ thuật điều khiển
- 18/03/2020 09:58 - EPICS: Một mô hình nên được nhân rộng cho sinh viên ngành kỹ thuật
- 13/03/2020 10:13 - Một mùa Robocon lỡ dở
- 12/11/2019 15:06 - Brick One: Dự án nâng tầm giáo dục mang thương hiệu Việt
- 13/08/2019 13:48 - Từ Robot One đến giấc mơ robot Việt
- 24/07/2019 15:17 - Người công nhân khuyết tật Vũ Thanh Hồng tấm gương vượt lên số phận
- 20/06/2019 15:41 - Khi sinh viên Bách Khoa không thôi đam mê Robocon