Trang chủ Sinh viên & Tuổi trẻ Sinh viên & Tuổi trẻ Khi sinh viên nghiên cứu khoa học thời Covid-19

Khi sinh viên nghiên cứu khoa học thời Covid-19

Nghiên cứu khoa học sinh viên (NCKH) là hoạt động không thể thiếu của các trường cao đẳng, đại học, trường nghề đào tạo về chuyên ngành kỹ thuật. Khoảng tháng 4 đến tháng 6 hàng năm là thời điểm sinh viên hoàn thành báo cáo NCKH cấp trường nhưng năm 2020 hoạt động sinh viên NCKH đều phải lùi thời gian từ 01 đến 2 tháng do dịch Covid-19. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chương trình đào tạo của nhà trường mà còn gây ra nhiều khó khăn đối với sinh viên trong quá trình NCKH.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sinh viên trên cả nước phải dừng học tập trung kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 795/BGDĐT-GDĐT chỉ đạo triển khai công tác đào tạo từ xa, khuyến khích sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến, đảm bảo chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra của học phần cũng như chương trình đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để quá trình NCKH đạt hiệu quả cao thì việc kết hợp song song giữa học lý thuyết trên lớp và làm thực hành tại phòng thí nghiệm được giảng viên và sinh viên phát huy tối đa. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp dẫn đến quá trình NCKH của sinh viên cũng bị đảo lộn, nhiều nhóm sinh viên có đề tài nhưng không nghiên cứu được như mong muốn do thiếu linh kiện, không được đến phòng thực hành trao đổi trực tiếp,…

alt

Sinh viên NCKH tại phòng thí nghiệm trường Đại học Giao thông Vận tải

Hoàng Văn Danh - sinh viên K61, chương trình kỹ sư chất lượng cao, Viện Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Trong thời gian nghỉ dịch, không thể đến trường, việc đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ nghiên cứu của nhóm, dự án thì không phát triển được nhiều do nhóm làm việc chung tại một phòng thí nghiệm nên các thiết bị đo lường thì phải lên phòng thí nghiệm mới có thể đo lường được. Hơn nữa, dịch Covid-19 khiến cửa khẩu Trung Quốc phải đóng cửa nên việc đặt linh kiện và mạch không thể về bên mình được, do đó đến ngày báo cáo NCKH tại bộ môn nhóm không có được sản phẩm như mong muốn.

Cũng gặp khó khăn tương tự, Nguyễn Tất Hiếu - sinh viên lớp Tự động hóa K58, trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết: Nhóm mình thực hiện mô hình Bãi đỗ xe thông minh dưới hầm tòa nhà từ đầu năm 2020, nhưng do dịch Covid-19 nên quá trình nghiên cứu bị chững lại ở giữa khoảng 01 đến 2 tháng và linh kiện thì rất khó mua, mô-đun có sẵn ở Trung Quốc nhưng không nhập khẩu về được, tài chính cũng khó khăn hơn.

“Từ giữa tháng 01 đến tháng 5, nhóm mình nghiên cứu sản phẩm Thùng rác thông minh tự động phân loại rác nhưng việc nghiên cứu bị trục trặc do dịch Covid-19, nhóm gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và mua linh kiện vì trong thời gian này các cửa hàng đóng cửa theo quy định, có những công đoạn không thể tự gia công được nên phải đi mượn máy móc từ người quen hoặc thuê”, Trần Minh Đăng - lớp điện 10A5HN, chuyên ngành Điện - Điện tử,trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp chia sẻ.

Hướng dẫn các nhóm sinh viên, chấm điểm trong nhiều hội đồng sinh viên báo cáo NCKH, PGS Nguyễn Thị Lan Hương - ngành Kỹ thuật Điều khiển Tự đông hóa, Viện Điện cũng phải nhận định: “Trong thời gian diễn ra dịch Covi-19, cơ bản các nhóm sinh viên cũng đã hoàn thành được ý tưởng nghiên cứu ban đầu đặt ra nhưng khó khăn nhìn thấy rõ trong việc một số thiết bị ứng dụng của sinh viên bị chậm, việc mua linh kiện và triển khai thực tế khó khăn hơn rất nhiều”.

“Đối với các trường đào tạo nghề, chương trình học lý thuyết chiếm 1/3, học thực thành chiếm 2/3, nên thời điểm dịch bệnh vừa qua việc nghỉ học bắt buộc khiến không thể đến được các phòng thực hành để nghiên cứu thực sự đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình dạy và học của nhà trường. Đặc biệt, thời gian sinh viên năm cuối làm tốt nghiệp bị chậm mất 2 tháng so với mọi năm”, PGS.TS Dương Đức Hồng - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội cho biết.

Cũng hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên làm NCKH qua các năm, PGS.TS Trịnh Lương Miên - Giảng viên khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Giao thông Vận tải (ĐHGTVT) chia sẻ: Dịch Covid-19 có ảnh hưởng đáng kế đến hoạt động NCKH sinh viên và hoạt động NCKH chung của nhà trường. Sau tết âm lịch 2020, trường ĐHGTVT luôn cập nhật liên tục các thông tin về dịch bệnh và quán triệt mọi hoạt động của nhà trường phải đảm bảo an toàn cho sinh viên và cán bộ công nhân viên - giảng viên. Trước 4/5/2020 các hoạt động giảng dạy và NCKH của nhà trường thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Điều này làm hạn chế việc trao đổi các ý tưởng, cùng nhau hợp tác thiết kế chế tạo và thử nghiệm mô hình/thiết bị trong phòng thí nghiệm đối với hầu hết các đề tài NCKH sinh viên, đặc biệt các đề tài NCKH sinh viên ngành Điều khiển và Tự động hóa, phần lớn là làm mô hình thực nghiệm. Không những thế Covid-19 còn gây khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư linh kiện để các nhóm NCKH tiến hành thí nghiệm, làm mô hình thực nghiệm.

Không chỉ hoạt động nghiên cứu của sinh viên mà thời gian tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học hàng năm cũng phải lùi lại. Thời điểm hiện tại, mặc dù nhóm sinh viên nhiều trường đã thực hiện xong đề tài nghiên cứu nhưng cũng không được hài lòng về sản phẩm của mình, thậm chí có những sinh viên không có mô hình thực tiễn nên phải dời sản phẩm đến năm sau để báo cáo NCKH.

Từ sự hỗ trợ của nhà trường đến những ý tưởng thực tiễn thời Covid

NCKH sinh viên thời covid hầu hết sẽ gặp những khó khăn chung và tại thời điểm đó sinh viên phải tìm ra cách khắc phục để sản phẩm không bị gián đoạn giữa chừng. Với nhóm của Hoàng Văn Danh, các bạn đã khắc phục bằng cách chia đầu việc, người làm phần mềm, người làm phần cứng và các đầu việc được quản lý trên trang web chung của nhóm. Còn với nhóm của Trần Minh Đăng, các bạn đã phải tìm kiếm, mua linh kiện cũ trên các nhóm facebook từ những sinh viên thuộc các khóa học trước.

Nhìn nhận những khó khăn thực tế của sinh viên, trường học cũng đưa ra các phương án hỗ trợ quá trình NCKH của sinh viên để các bạn có thể hoàn thành nghiên cứu của mình một cách thuận lợi hơn. PGS.TS Trịnh Lương Miên cho biết: “Nhà trường đã điều chỉnh lịch NCKH sinh viên sang báo cáo vào tháng 7/2020 thay vì vào tháng 4/2020. Nhà trường tăng thời lượng mở cửa các phòng thí nghiệm, để các nhóm NCKH sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận, sử dụng các trang thiết bị vật tư thí nghiệm thực hành. Đội ngũ giảng viên hướng dẫn tùy theo điều kiện của mình hỗ trợ các em trang thiết bị để làm tại nhà, hướng dẫn -trao đổi trực tuyến thường xuyên trong thời gian cách ly, và giành nhiều thời gian hơn với cá nhóm nghiên cứu sau cách ly”.

“NCKH gắn với quá trình tốt nghiệp nên từ đầu tháng 5 khi sinh viên đi học lại, nhà trường cũng có nhiều biện pháp để giúp sinh viên khóa 9 đi vào giai đoạn làm tốt nghiệp có chất lượng. Trong đợt thực tập tốt nghiệp nhà trường vẫn đảm bảo đưa sinh viên đến tất các doanh nghiệp có liên kết với trường nhằm giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm và có đủ điều kiện làm NCKH”, PGS.TS Dương Đức Hồng cho biết.

Đối với sinh viên chuyên ngành kỹ thuật, việc NCKH với những ai yêu thích sẽ trở thành đam mê và luôn thôi thúc bản năng của sinh viên phải quan sát để ngay lập tức tìm ra những vấn đề mới mà thực tiễn cần phải giải quyết trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, tuy gây khó khăn phần nhiều nhưng dịch Covid-19 cũng tạo ra nhiều điểm sáng cho NCKH, giúp sinh viên có khả năng nhanh nhạy trong việc nắm bắt vấn đề mới khi hoàn cảnh chính là vấn đề cần được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

Đơn cử như sản phẩm NCKH của sinh viên Trần Tiến Thành - với đề tài “Xây dựng chương trình chuẩn đoán bệnh nhân mắc Covid-19 từ ảnh chụp cắt lớp phổi bằng Deep learning”. Khi dịch Covid-19 đang lan rất nhanh và phương pháp xét nghiệm bệnh nhân mắc Covid-19 lúc bấy giờ mất vài ngày hoặc 01 tuần mới có kết quả. Trong khi, bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh thì chắc chắn phổi sẽ bị tổn thương nên khi sử dụng ảnh CT chụp phổi để dự đoán sẽ có tiềm năng rất lớn, vì vậy nhóm sinh viên đã lên ý tưởng và hoàn thành nghiên cứu trong vòng 01 tháng.

Sản phẩm Robot hỗ trợ y tế mang đồ ăn vào khu cách ly là đề tài NCKH của sinh viên Nguyễn Long Thành - K60, viện Cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng được nghiên cứu trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Tuy chưa được đưa vào thử nghiệm tại các khu cách lý tập trung nhưng sản phẩm cũng cho thấy tinh thần NCKH của sinh viên là tức thời và thực tiễn.

Cũng chưa được ứng dụng trực tiếp tại cơ sở nhưng xuất phát từ nhìn nhận thực tế, sản phẩm Máy đo thân nhiệt do nhóm sinh viên trường Đại học Thủy lợi nghiên cứu trong vòng một tuần đã một lần nữa khẳng định ý tưởng nghiên cứu của sinh viên ngày càng thể hiện tính ứng dụng cao. “Sản phẩm ứng dụng trong việc đo thân nhiệt từ xa, tránh sự tiếp xúc giữa người với người và các chỉ số khi đo sẽ được phần mềm lưu lại và hiển thị trên màn hình”, Nguyễn Huy Hiệp, sinh viên khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Thủy lợi cho biết.

Hiện tại, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã lắng xuống nhưng không thể lơ là khi dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Hy vọng rằng, NCKH sinh viên sẽ phát huy hết khả năng của mình, bằng cách này hay cách khác các sản phẩm gắn với thực tiễn của sinh viên sẽ giải quyết được các bài toán trong những thời điểm cấp bách của đất nước.

TĐHNN số tháng 6+7/2020


Newer news items:
Older news items:

 

Hỗ trợ online

Hỗ trợ Web
Mr Phương: 0988906030

Nhà tài trợ

vaa logo

CorporateLogo Colo CFBr

Liên kết & Quảng cáo

 
 

 

 
 




 


 



Sửa biến tần

Quảng cáo&Liên kết