Nhiều biến động ở mùa giải năm 2017
Sau 16 năm được tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam được đánh giá là một trong những sân chơi mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sinh viên của các trường ĐH, CĐ đào tạo về kỹ thuật. Đến với sân chơi này, sinh viên được tiếp cận với công nghệ, máy móc và cơ khí. Ngoài ra, sinh viên còn được học kỹ năng mềm, rèn luyện tính kỷ luật và cách làm việc nhóm. Đây cũng là những tố chất mà các doanh nghiệp mong muốn khi tuyển nhân sự.
Chủ đề cuộc thi năm nay là “The Landing Disc”, được lấy cảm hứng từ trò chơi truyền thống “Tosenkyo” do nước chủ nhà Nhật Bản đăng cai Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương (ABU 2017) đưa ra. Chủ đề cuộc thi xoay quanh tinh thần “Asobi” và đây cũng là triết lý cơ bản của cuộc thi.
So với xu hướng chung của đề thi Robocon trong những năm gần đây, bài toán kĩ thuật cuộc thi năm nay tương đối phức tạp. Các chuyên gia đánh giá đây là một đề thi khó, đề cao vai trò của người điều khiển robot bằng tay hơn là những chú robot tự động. Mặt khác, đề thi năm nay có tính đối kháng cao, nhấn mạnh về yếu tố cản phá giữa hai đội thi đấu trên sân, khiến trận đấu trở nên hấp dẫn hơn.
Trong mùa thi đấu Robocon năm nay, có nhiều biến động. Xét tổng số các đội thi đấu vòng loại, ở khu vực phía Bắc, so với năm 2016 có 60 đội tham gia thì năm nay, số lượng giảm còn 57 đội. Các trường có số đội tham gia vượt trội có thể kể đến như: ĐH SPKT Hưng Yên, ĐH Sao Đỏ, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải, CĐ nghề Cơ điện Hà Nội, CĐ Điện tử Điện lạnh Hà Nội.
Một số trường những năm trước có tham gia nhưng năm nay đã vắng bóng là CĐ nghề Cơ giới Ninh Bình, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, CĐ nghề Giao thông vận tải Trung ương 1. Một số trường khác gặp khó khăn trong việc xin kinh phí hoặc nhà trường có kế hoạch khác như ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, CĐ Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, CĐ nghề Công nghệ cao cũng đã quyết định dừng cuộc chơi năm nay.
Thay vào đó, mùa giải năm nay, khu vực phía Bắc lại có sự góp mặt của một gương mặt mới là Trường CĐ Công nghiệp Quốc phòng Phú Thọ. Mặc dù lần đầu tham gia nhưng trường đã chọn ra được 6 đội tuyển xuất sắc nhất tham gia thi đấu.
Trường ĐH Phương Đông ra quân với 2 đội tuyển đại diện cho trường, họ đều là sinh viên năm thứ nhất. Chia sẻ thông tin về việc thiết kế robot của Trường ĐH Phương Đông, thầy Hà Thanh Sơn, phụ trách CLB Robot của trường cho biết: “Các sinh viên tham gia thiết kế robot đều có tinh thần tự nguyện rất cao. Từ khâu làm sân, thiết kế và thi công sân thi đấu; chế tạo linh kiện đến khâu hoàn thiện robot mang đi dự thi đều được các sinh viên tự thực hiện. Nguyên liệu làm robot năm nay có tới 50% sử dụng lại nguyên liệu của robot năm trước, phần còn lại được mua mới với chi phí khiêm tốn. Tuy nhiên, những khó khăn này không thể cản trở hay làm ảnh hưởng tới niềm đam mê chế tạo robot của các sinh viên ĐH Phương Đông. Nhiều phương án, công nghệ mới hơn đã được đưa ra và cập nhật trên robot”.
Trường CĐ Công nghiệp Quốc phòng lần đầu tiên tham dự Robocon với 6 đội tuyển
Trái ngược hoàn toàn với khu vực phía Bắc, tại vòng loại khu vực phía Nam, số đội tham gia tăng hơn 4 đội, từ 19 đội lên 23 đội so với mùa giải năm 2016. Giống như những mùa giải trước, ĐH Lạc Hồng vẫn đóng góp cho sân chơi Robocon năm nay 6 đội tuyển. Không chịu kém cạnh, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh cũng tham dự với 6 đội tuyển xuất sắc nhất của trường. Trong khi đó, ĐH Trần Đại Nghĩa mang tới cuộc thi 4 đội.
Sôi động hơn cả là vòng loại Robocon khu vực phía Nam năm nay còn đón chào sự quay trở lại của những trường sau nhiều năm vắng bóng là: ĐH Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh với 1 đội tuyển; ĐH Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh 3 đội tuyển và ĐH Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh với 2 đội tuyển.
Theo ban tổ chức cuộc thi, sự trở lại của các trường sau nhiều năm vắng bóng và sự góp mặt tranh tài của các trường mới tham gia thi đấu đã khẳng định, sau 16 năm tổ chức, sân chơi Robocon vẫn không những không bị mất đi tính hấp dẫn mà thay vào đó, sức nóng của sân chơi này vẫn tiếp tục lan tỏa trong lòng sinh viên yêu công nghệ và người hâm mộ.
Sức hấp dẫn từ những trận đấu
Đến thời điểm này, vòng loại Robocon khu vực đã khép lại. 24 đội tuyển khu vực phía Bắc và 8 đội tuyển khu vực phía Nam đã được chọn vào thi đấu tại vòng chung kết sẽ diễn ra tại Ninh Bình vào tháng 5 tới. Tại vòng loại, các đội chơi đã cống hiến đến người hâm mộ những trận đấu vô cùng gay cấn với những giây phút để lại ấn tượng sâu đậm. Càng vào các vòng trong, không khí tại sân thi đấu lại càng trở lên “nóng bỏng” đến “ngột thở”. Ở khu vực phía Bắc, được đánh giá là những “hạt giống” của giải, các đội tuyển đến từ ĐH SPKT Hưng Yên và CĐ Công nghệ Hà Tĩnh đã chiến thắng áp đảo các đối thủ với những chiến thắng tuyệt đối liên tục được xác lâp ở thời gian ngắn kỷ lục.
Giây phút vỡ òa trong chiến thắng tuyệt đối của đội đến từ ĐH SPKT Hưng Yêu
Bên cạnh những đội tuyển có khả năng giành chiến thắng tuyệt đối, các đội tuyển đến từ ĐH Sao Đỏ hay ĐH Công nghiệp Hà Nội đã để lại dấu ấn với chiến thuật tích lũy thật nhiều điểm. Ngoài ra, chiến thuật cản phá đội bạn ghi điểm của các đội tuyển thuộc Trường ĐH Sao Đỏ cũng rất ấn tượng, khiến cho cục diện trận đấu thay đổi hoàn toàn mang lại chiến thắng thuyết phục trước đối phương.
Trở lại các trận thi đấu vòng loại khu vực phía Nam cũng căng thẳng và kịch tính không kém. Tại đây, các “ông lớn” như Lạc Hồng, SPKT Tp. Hồ Chí Minh và ĐH Trần Đại Nghĩa tiếp tục khẳng định mình.
Với những chiến thuật khôn khéo, công nghệ thiết kế robot hiện đại và chiến thắng áp đảo, cả 6 đội tuyển của Trường Lạc Hồng đều giành vé vào vòng Chung kết toàn quốc. Không kém phần, ĐH SPKT Tp. Hồ Chí Minh cũng ghi tên 2 đội vào vòng chung kết. Đáng tiếc là đội tuyển duy nhất của Trường ĐH Trần Đại Nghĩa đã phải sớm chia tay Robocon Vietnam 2017.
Theo đánh giá của ban tổ chức, phần lớn robot của các đội chiến thắng đều được thiết kế rất công phu cả về hình thức đến như hệ thống điều khiển. Nhiều robot của các đội chơi được thiết kế khá gọn gàng nhưng lại sử dụng công nghệ được cho là lợi hại, làm rút ngắn về thời gian thi đấu và mang lại nhiều chiến thắng tuyệt đối.
Chia sẻ về chiến thắng vang dội của các đội Robocon Lạc Hồng, thầy Đoàn Dương Quý, chỉ đạo viên Robocon của trường cho biết: “Để có được những trận thi đấu hấp dẫn và những chiến thắng thuyết phục, các đội Robocon Lạc Hồng đã có gần nửa năm vật lộn cùng thử thách của đề thi năm nay. Tuy nhiên, từ việc trải qua những khó khăn, thử thách để tìm ra giải pháp chinh phục đề thi sao cho tối ưu nhất, bản thân thầy và trò của trường nhận ra rằng, đây là thử thách hấp dẫn và hóc búa, để chiến thắng thì cả người và robot dường như phải có sự am hiểu lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Những chiến thắng mà các đội Robocon Lạc Hồng có được đã phầnnào đền đáp được công sức của thầy và trò bỏ ra”.
Đánh giá về mức độ đề thi năm nay, GS. Nguyễn Tăng Cường, Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2017 cho rằng, đề thi năm nay khó ở tác vụ điều khiển robot khi phải bắn đĩa rơi trúng đĩa tròn của trụ và đồng thời phải làm rơi bóng ra ngoài. Đĩa bắn có khối lượng nhẹ trong khi chiều cao và khoảng cách các trụ khác nhau, việc kiểm soát tốc độ, gia tốc và khoảng cách di chuyển không hề đơn giản đối với người điều khiển. Mặc dù đề thi có mức độ khó như vậy nhưng cơ bản các đội chơi đã giải quyết được khá tốt yêu cầu đặt ra. Đã có nhiều kỷ lục được xác lập và nhiều chiếnthắng tuyệt đối được xướng lên tại sân thi đấu.
Với đề thi năm nay, vai trò của người điều khiển robot bằng là yếu tố quan trọng làm lên chiến thắng
THI NGUYÊN
Theo Tạp chí Tự động hoá ngày nay số 194 (tháng 4/2017)
- 20/06/2017 09:15 - FIRST Global và hành trình làm robot dự thi Olympic Robot
- 19/06/2017 12:40 - Trò chuyện với học trò đoạt giải Ba cuộc thi Intel ISEF tại Mỹ
- 17/05/2017 09:38 - Robot phẫu thuật cấy ốc tai
- 16/05/2017 11:28 - ROBOT DẠY TRẺ - Ý tưởng không tồi
- 20/03/2017 16:00 - Robot in 3D được lập trình
- 20/03/2017 15:36 - Robot phẫu thuật mắt - Bước đột phá trong phẫu thuật tắc tĩnh mạch võng mạc
- 20/03/2017 15:24 - Flippy - Robot phụ bếp
- 20/03/2017 15:16 - WellPoint có thể trở thành "y tá" tự động trong tương lai
- 20/03/2017 14:59 - "Hello Robot” - Cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại
- 01/04/2016 02:12 - Tương lai Nào cho bệnh viện không bác sĩ?
- 31/03/2016 09:17 - Robot đã và đang cướp đi việc làm của chúng ta
- 30/03/2016 13:33 - Quốc gia nào sở hữu nhiều robot nhất thế giới?
- 27/03/2016 07:44 - Thế hệ mới nhất của khung xương giúp người tàn tật đi lại trên đôi chân của chính mình
- 30/01/2016 03:41 - Robot điều khiển bằng mắt công nghệ mới cho người khuyết tật